image banner
Lịch sử hình thành và phát triển
Lượt xem: 220

    I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, XÃ HỘI

    1. Địa lý hành chính.

Nam Thành là xã thuộc vùng bán sơn địa cách trung tâm thị trấn Yên Thành khoảng 6 km về phía nam; Ranh giới giáp với các xã: Phía bắc giáp xã Trung Thành; Phía đông giáp xã Long Thành, Khánh Thành; Phía Nam giáp xã Liên Thành; Phía Tây giáp xã Lý Thành.

Xã gồm 6 xóm Lâm Thành, Tây Hồ, Phan Đăng Lưu, Phú Sơn, Minh Châu, Hợp Thành.

 Xã có diện tích tự nhiên 654,54ha, chiều dài từ xóm Lâm Thành đến đỉnh Lèn Mang gần 8,5 km; nơi rộng nhất là từ đồng Cồn Nấm xóm Tây Hồ, đến xóm Lâm Thành hơn 2km. Dân số 6.776 khẩu, 1.680 hộ, tỷ lệ giáo dân chiếm 20%, có 6 xóm tên gọi đầy đủ là: xóm Lâm Thành, Tây Hồ, Phan Đăng Lưu, Phú Sơn, Minh Châu và Hợp Thành. (Nhiều người gọi tắt, thông dụng là xóm Đăng Lưu).  

Đảng bộ xã có 10 chi bộ với 287 đảng viên trong đó 6 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học, 01 chi bộ công an.

Xã đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao đưa đời sống vật chất tinh thần

Trụ sở hành chính của xã nằm gần quốc lộ 7B ( nhánh rẽ từ Hà Nội vào tại ngã ba Chợ Si lên Yên Thành nhập quốc lộ 7a đi đến nước bạn Lào ở cửa khẩu Nậm Cắn). Trung tâm xã cách thị trấn huyện Yên Thành trên 6 km theo hướng Tây-Nam. Chính xác, xã có tọa độ: 180 57' 47" vĩ độ Bắc và 1050 25' 28" kinh độ Đông. Nhìn trên bản đồ, địa hình xã Nam Thành có hình giáng giống chiếc đàn ghi- ta, mà phần "thùng đàn" là các xóm vùng chiêm trũng và vùng mâng như Lâm Thành, Tây Hồ, Minh Châu, Đăng Lưu và một phần xóm Phú sơn; còn phần "cần đàn" là các xóm đồi núi như: Một phần xóm Phú Sơn (Sơn thành cũ), Hợp Thành. 

        Địa hình đất đai và dân cư bố trí dài, có ba vùng rõ rệt (vùng đồi núi, vùng mâng và vùng chiêm trũng), sản vật phong phú. Trên địa bàn có nhiều tuyến giao thông thuận lợi cho sự đi lại và phát triển kinh tế: Tuyến ô tô buýt Vinh- Yên Thành, có điểm dừng ngay trên địa bàn xã, giúp cho người Nam Thành vào Trung tâm tỉnh Nghệ An (cách 60 km) trở nên gần gũi thuận lợi; tuyến xe khách Đô Lương -Hà Nội cũng chạy qua địa bàn và chính người Nam Thành có cả ô tô đi Thành phố Hồ chí Minh và các tỉnh phía Nam, nên thật thuận tiện.

        Ngoài ra, tại Ngã tư Quốc lộ 7b giao cắt với đường huyện lộ, đi qua vùng lèn đá, nối với đường Khùa về thị trấn Lạt, (huyện Tân Kỳ) mở ra hướng Tây. Có thể nói, sự gắn kết và thuận lợi đi lại này, là một trong những yếu tố tạo điều kiện để Nam Thành phát triển kinh tế nhanh.

         Nam Thành ngày nay là một xã đạt chuẩn nông thôn mới (Tỉnh Nghệ An công nhận năm 2014). Tất cả những thuận lợi đó tạo điều kiện cho vùng quê này phát triển kinh tế toàn diện .

    2. Tên gọi  xưa đến nay.

Xã Nam Thành là một phần thống nhất trong 39 xã, thị của huyện Yên Thành. Quá trình hình thành và phát triển làng xã cải tạo thiên nhiên và xã hội của quê hương, gắn liền với lịch sử của huyện.

          Về tên gọi, vùng đất Kẻ Rộc thay đổi tên hành chính nhiều lần, nhưng tên gọi lâu nhất là xã Tiền Thành, rồi xã Kim Thành ( Kim Thành gọi suốt cả thời Nguyễn và đến sau những năm 1945) 

          Căn cứ vào hai cuốn gia phả hai họ lớn trên địa bàn Kẻ Rộc là họ Phan Bá (họ của Phan Vân) và Nguyễn Duy ta thấy đời Lê gọi là xã Tiền Thành. Tộc phả Phan Quận Công ghi: “Từ Phủ Lý ông Phan Vân đưa vợ con vào Hoan quận, xã Tiền Thành vào  khoảng năm 1400 để lánh nạn nhà Hồ tàn sát những người ủng hộ triều Lê... Lúc đầu ông ở làng Nội, phía Kẻ Duỗi, Tiên Hồ nhưng về sau ông chiêu dân lập ấp khai thác vùng đất còn hoang rậm phía Kẻ Rộc. Vùng ông ở cùng các chiêu dân lập thành thôn gọi là thôn Chánh Sứ vẫn thuộc về triện bạ xã Tiền Thành. Dần dần số ruộng đất khai thác được phát triển hơn 600 mẫu; về sau số cư dân các nơi tập trung về càng đông. Vào khoảng thời Lê Trung Hưng cho đến triều Nguyễn Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (1820-1883) mới thành lập xã Kim Thành với các thôn Thượng Thọ, Thuần Hậu, Thái Bình ở phía Kẻ Rộc (thôn Chánh Sứ cũng nằm trong các thôn này) và thôn Phúc Thành, Cự Phú ở phía Kẻ Duỗi. Tuy vậy, để nhớ công ơn ông nên cả xã vẫn tiếp tục thờ ông Phan Vân ở đền Chánh Sứ, cả tại đình Thượng và đình Hậu với sắc phong Thượng Đẳng Tôn Thần”).

            Gia phả họ Nguyễn Duy được viết vào mùa đông năm Đinh Mão dưới thời vua Gia Long (1807) do nhà văn hóa Trần Hữu Thung dịch nghĩa, có đoạn: "Cùng với sự giúp đỡ của hậu duệ Phan tướng công (Phan Vân), Nguyễn Duy Thiện đã chiêu mộ những người dân ở vùng này và lập thành làng Thái Bọc – một trong những làng của xã Tiền Thành, sau này trở thành – Kim Thành và ngày nay là xã Bắc Thành, Trung Thành, Nam Thành")Xã Kim Thành xưa gồm các làng Thượng Thọ, Thuần Hậu, Thái Bình (thuộc đất Bắc Thành và Trung Thành ngày nay), Phúc Thành, xóm Rộc (Trung Thành và Nam Thành) và Kẻ Duỗi, Tiền Hồ (thuộc xã Nam Thành) và các xóm vùng đồi núi, phía Bắc, phía Tây. Địa giới xã Kim Thành có thể hình dung qua bài chúc thọ của cử nhân Trần Danh Tiêu viết  từ năm 1904:

“Xã ta nay, Kim Thành thuở trước, hậu giáp là sau, mạch tổ sơn càn hơi lai long nền ca vũ quý đinh chính hướng.

          Núi Thung Lĩnh ( lèn voi) ngàn tầm xanh ngắt, ngạt ngào mấy trận gió đưa.

 Nước Rộc Giang( bàu rộc) một dải quanh bao, lấp lánh đôi vầng trăng chỉ thắm.

          Trông ra trước Cồn Tiên, Rộc Trạng giang sơn mở mạch từ anh.

Đoái về sau Khe Gạo, Cồn Kho tạo hóa khéo in hình dục tú .

Cho nên: kẻ nối thẻ rùa, người cao tuổi hạc, hạ thọ bước dần lên trung, thượng thọ”...

           Theo cuốn sách “tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” biên soạn dựa vào cuốn “các tổng trấn, xã danh bộ lãm và Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí hương” thì, huyện Yên Thành có 4 tổng (Quan Trung, Quan Triều sau đổi thành Tổng quan Hóa; Thái Trạch-sau đổi thành Quỳ Trạch và Vân Tụ. Cụ thể năm Minh Mệnh thứ 10 ( năm 1829) vùng Kẻ Rộc Tiền Thành thuộc tổng Quan Triều; năm Thành Thái thứ 10 ( năm 1898) vùng đất Kẻ Rộc thuộc xã Kim Thành tổng Quan Hóa. Tên này tồn tại mãi đến sau tháng Tám năm 1945.

          Tháng 10 năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tổ chức lại bộ máy hành chính, bỏ cấp tổng thành lập cấp xã trực thuộc huyện. Xã Kim Thành có từ trước cách mạng vẫn giữ nguyên địa giới và tên cũ. Đầu năm 1946,  sau bầu cử Quốc Hội khóa I và Hội đồng nhân dân các cấp, xã Kim Thành (trong đó vùng đất xã Bắc Thành ngày nay) nhập thêm làng Phúc Thành, đặt tên xã mới là xã Tân Thành. Chưa đầy năm, theo chủ trương của tỉnh lại điều chỉnh địa giới một lần nữa. Theo đó, một số xã trong huyện Yên Thành thay đổi địa giới và đặt tên mới. Xã Tân Thành được nhập thêm làng Tiên Xá, đổi thành xã Minh Tân.

Cuối năm 1948, huyện Yên Thành chia các địa phương trên địa bàn thành 12 xã mới. Hai xã Minh Tân và xã Đồng Thành[1])  nhập lại, thành xã  mới Quan Thành.

 Như vậy, địa bàn xã Quan Thành rất rộng; có thể hình dung ranh giới như sau: từ  Ụ-Tây-Xây([2]), Lèn Voi, động Trùng Gió, lèn Rùa, ( giáp Lý Thành nay) về  Hòn Thàng ( Liên thành) đến Tây Hồ, Trại Mía ( giáp xã Khánh Thành nay), Lâm Xuyên "đạo" Lâm Xuyên “đời” (làng Lâm Vương) vòng xuống những cánh đồng giáp xã Long Thành, Xuân Thành ngày nay), rồi ngược lên hướng Bắc, men theo dãy núi Eo Séo, Nhà Bà về  điểm xuất phát Ụ-Tây- Xây.          

          Do địa hình rộng như vậy, không phù hợp với năng lực quản lý, tập quán sinh hoạt và khai thác được tiềm năng từng vùng đất, đầu năm 1953 theo chủ trương của trên, xã Quan Thành lại chia làm 3 xã nhỏ,  lấy tên là: xã Bắc Thành, xã Trung Thành và xã Nam Thành như ngày nay.

Địa giới xã Nam Thành từ đó đến nay tương đối ổn định. Có thể khái quát đường cơ bản như sau: Từ mố phía Nam cầu đá Bàu Rộc ( giáp UBND xã Trung Thành), đi theo bờ hữu Bàu Rộc lên Cống Bảy Cửa, sông Nông Giang, qua động Mây Gôm, Đá Mọc, Động Lối Thị, Đập Bài, Động Mụ Cải, Eo Khế Lèn Voi, đỉnh Lèn Mang. Từ đó dọc theo chân động Trùng Gió về lèn Rùa, đi theo chân Rậm Đồng Văn đến Động Đồn, hầm Le trên (giáp Trụ Thạch xã Lý Thành) qua sông nông giang đến hầm le dưới, theo kênh tiêu Rộc Thàng về xóm Bắc Phong ( xã Liên Thành) xuống đồng Cựa Nghè (giáp Khánh Thành) qua Cồn Má, men theo biềng làng xóm Lâm Thành ngược lên bờ hữu Bàu Rộc đến mố phía Nam cầu đá bàu Rộc. 

Nguồn: Trích cuốn lịch sử Đảng bộ xã Nam Thành xuất bản năm 2018.



[1] Xã Đồng Thành lúc đó gồm 5 làng: làng Văn Thành (sau này đổi là Bắc Sơn); 2 làng Lâm Vương (đạo và đời) và  2 làng: Tam Đồng, Lộc Tại (thuộc xã Nam Thành ngày nay).

[2] Đỉnh núi cao nhất, từ lèn Voi đi  lên cũng là ranh giới 3 xã: Trung Thành, Nam Thành và  Minh Thành ( hố Dừa). Đỉnh núi này thời thuộc Pháp đã được người Pháp khảo sát, xây cột mộc. Người dân xã Kim Thành xưa, Nam Thành nay, thường gọi là Ụ -Tây- Xây

 

TIÊN LIÊN QUAN
Không có dữ liệu
BẢN ĐỒ XÃ NAM THÀNH - HUYỆN YÊN THÀNH
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NAM THÀNH
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Hoàng Văn Sâm - Chủ Tich Xã Nam Thành

Trụ sở: Xã Nam Thành - Huyện Yên Thành - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0977999796 - Email: hoangvansam111169@gmail.com